|
HƯỚNG DẪN
Thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị
Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại đại hội Công đoàn các cấp
————
Thực hiện Kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức Đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Kế hoạch số 310/KH-CĐN ngày 06/12/2016 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về tổ chức Đại hội công đoàn giáo dục các cấp tiến tới Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam hướng dẫn việc thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại đại hội công đoàn các cấp, cụ thể như sau:
I. MỘT SỐ NỘI DUNG LẤY Ý KIẾN
1. Về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết XIV Công đoàn Giáo dục Việt Nam
* Đánh giá kết quả đạt được: Đề nghị lấy ý kiến về những nhận định, đánh giá tổng quát kết quả hoạt động công đoàn và tình hình cán bộ, nhà giáo, người lao động nhiệm kỳ XIV đã toàn diện, phù hợp chưa? Đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung những nhận định, đánh giá tổng kết.
* Đánh giá hạn chế, khuyết điểm: Đề nghị lấy ý kiến về những nhận định, đánh giá hạn chế, khuyết điểm của hoạt động công đoàn và tình hình cán bộ, nhà giáo, người lao động như trong dự thảo báo cáo đã toàn diện, đầy đủ chưa? Đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung những nhận định, đánh giá hạn chế, khuyết điểm. Thảo luận nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của công đoàn về các chương trình công tác toàn khóa.
2. Về mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ công tác công đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2023 và khẩu hiệu hành động của Đại hội
2.1 Về mục tiêu tổng quát:
Tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn giáo dục các cấp; trọng tâm là thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ; tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và người lao động; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; hoàn thiện phương thức phục vụ, phát huy sức mạnh tập thể, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng lớn mạnh; góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện phương hướng nhiệm kỳ 2018-2023, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, Đại hội tiếp tục phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong đó tập trung triển khai phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” và “Quyên góp, hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”.
Chú trọng vào các nội dung:
1.Chăm lo thiết thực cho nhà giáo và lao động, phát triển lợi ích đoàn viên thông qua các chương trình ưu đãi đoàn viên; quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở công vụ cho CBNGLĐ; tập trung nâng cao hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện.
2. Đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động CĐGD các cấp, nâng tầm cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu đổi mới.
3. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, năng lực nghề nghiệp cho CBNGLĐ; vận động, hỗ trợ các điều kiện để CBNGLĐ đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của ngành.
Đề nghị lấy ý kiến về mục tiêu tổng quát hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2023 như trên đã phù hợp chưa? Đề xuất nội dung cần điều chỉnh,bổ sung.
2.2. Về khẩu hiệu hành động:
Dự kiến khẩu hiệu hành động của CĐGD Việt Nam trong nhiệm kỳ XV (2018 – 2023) là:
“Vì lợi ích thiết thực của nhà giáo và người lao động, vì sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, vì sự phát triển bền vững của đất nước và tổ chức công đoàn, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động”.
Đề nghị lấy ý kiến xem việc xây dựng khẩu hiệu hành động đã phù hợp, ngắn gọn, có tính hiệu triệu, cổ vũ đoàn viên công đoàn, nhà giáo và lao động trong giai đoạn mới chưa? Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoặc lựa chọn khẩu hiệu hành động mới?
3. Các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động công đoàn giai đoạn 2018 – 2023
Đề nghị lấy ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023; góp ý các giải pháp cụ thể, phù hợp, thiết thực để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Trong đó tập trung vào các nội dung:
– Lợi ích cơ bản của đoàn viên công đoàn, của CBNGLĐ?
– Công đoàn làm gì trong lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ Đại học(đối với khối Đại học); giao quyền tự chủ của nhà trường phổ thông trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục và khi không còn mô hình giáo dục cấp huyện (đối với khối tỉnh, thành phố)?
– Công đoàn làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?
– Đề xuất những vấn đề mới, trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, hiệu quả và khả thi trong nhiệm kỳ 2018-2023 đối với tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục.
II. HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP VÀ TIẾN ĐỘ
1. Hình thức tổ chức góp ý
– Lấy ý kiến thông qua thảo luận tại đại hội công đoàn cơ sở, trên cơ sở và tổng hợp ý kiến tại đại hội. Đoàn chủ tịch đại hội tổng hợp cùng với ý kiến các đại biểu phát biểu tại đại hội thành báo cáo tổng hợp ý kiến về Báo cáo Chính trị của Đại hội CĐGD Việt Nam lần thứ XV.
– Sau đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, ban chấp hành công đoàn khóa mới có trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện báo cáo đã được đại hội thông qua và gửi về CĐGD Việt Nam.
2. Phương pháp tổng hợp
2.1. Bố cục báo cáo tổng hợp
Báo cáo tổng hợp gồm 3 phần:
– Phần nhận xét chung (có thể không cần tiêu đề): Nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (có sôi nổi hay không, trao đổi, tranh luận…).
– Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung: Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự hướng dẫn thảo luận một số vấn đề trọng tâm. Trong phần này, nếu có ý kiến góp ý, nhận xét chung thì có phần những vấn đề chung, sau đó nêu những góp ý cụ thể cho vấn đề đó.
– Phần đề xuất, kiến nghị: Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về những vấn đề có liên quan đến nội dung báo cáo chính trị, quá trình chuẩn bị Đại hội,…
2.2. Xác định số lượng và mức độ ý kiến
* Số lượng ý kiến: Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.
* Mức độ ý kiến: Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hóa, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau. Cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến (đồng ý, không đồng ý…) hoặc đánh giá theo các mức độ sau:
– “Hầu hết ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng ¾ trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.
– “Đa số ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên ½ đến dưới ¾ số ý kiến có cùng chính kiến.
– “Nhiều ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên ¼ đến dưới ½ số ý kiến có cùng chính kiến.
– “Một số ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng dưới ¼ số ý kiến có cùng chính kiến.
– “Có ý kiến”: Sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.
Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp có giá trị như ý kiến phát biểu trực tiếp.
2.3. Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn
Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn. Đối với những ý kiến góp ý có lập luận sâu sắc khác với dự thảo cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.
3. Tiến độ gửi báo cáo
– Công đoàn cơ sở trực thuộc gửi trực tiếp báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý tại đại hội công đoàn cơ sở về Văn phòng CĐGD Việt Nam (chậm nhất 15 ngày sau khi tổ chức Đại hội).
– Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, công đoàn đại học quốc gia, đại học vùng, CĐGD các tỉnh, thành phố tổng hợp ý kiến từ đại hội công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở gửi về Văn phòng CĐGD Việt Nam (chậm nhất 15 ngày sau khi tổ chức Đại hội).
Trên đây là hướng dẫn việc lấy ý kiến một số nội dung về dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội CĐGD Việt Nam lần thứ XV tại đại hội công đoàn các cấp, đề nghị CĐGD các tỉnh, thành phố, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, công đoàn các đại học quốc gia, đại học vùng và đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện.
Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ với Văn phòng CĐGD Việt Nam (qua đồng chí Trần Thị Ngọc Thủy – Phó Chánh Văn phòng – điện thoại 0914347558) để phối hợp giải quyết.
Nơi nhận:
– Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT – CĐGD các tỉnh, thành phố – Công đoàn Đại học Quốc gia, ĐH vùng; Các đơn vị trực thuộc – Các đ/c UV ban Thường vụ, BCH, UBKT CĐGD Việt Nam khóa XIV – Lưu VP. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ CHỦ TỊCH (Đã ký) Vũ Minh Đức |