Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào trong bối cảnh hiện nay

 Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào đã có từ lâu trong lịch sử, không ngừng được củng cố, vun đắp, tình keo sơn, gắn bó thủy chung và phát triển qua năm tháng thời gian. Đây là di sản quý báu mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước cần gìn giữ và phát triển toàn diện lên một tầm cao mới. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có mối quan hệ gần gũi, tương đồng, thuỷ chung son sắt, lâu đời, bền vững như Việt Nam – Lào trong suốt lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Việt Nam và Lào đều có những điểm tương đồng và giao thoa về vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, văn hoá nên dễ hình thành, phát triển mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều chặng đường xây dựng và phát triển của hai đất nước.

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10/1930, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu “có một không hai” trong lịch sử thế giới.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy”. Do đó, việc không ngừng củng cố, bồi đắp và phát triển quan hệ Việt Nam – Lào có ý nghĩa rất quan trọng để mỗi bên cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục giữ vững, nâng tầm mối quan hệ Việt Nam – Lào lên một bước phát triển mới.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune chủ trì cuộc Hội đàm giữa Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, tháng 4/2023

Việt Nam – Lào cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam – Lào. Việt Nam – Lào có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, đa dạng, dồi dào, có nguồn nhân lực rẻ nên rất thuận lợi cho các hoạt động phát triển triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam – Lào cũng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì thế, trong lịch sử, hai quốc gia thường xuyên bị các đế quốc bên ngoài xâm lược, tìm mọi cách nô dịch, áp bức và đồng hoá.

Trải qua các giai đoạn, thời kỳ phát triển của lịch sử, hai nước đã trải qua và chứng kiến biết bao sự khó khăn, thăm trầm của những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó cũng là những thời điểm ghi nhận, đánh dấu cho quan hệ keo sơn, thủy chung gắn bó của hai nước Việt Nam – Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc để giải phóng dân tộc, cùng nhau cải tạo, kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến của các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt, với các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, cơm, áo, hoà bình, giảm siu, giảm thuế, thực hiện người cày có ruộng…

Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương vào ngày 9/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các tầng lớp nhân dân đã nổi dậy tước khí giới của quân Pháp, phát động cao trào kháng Nhật tiến tới tổng khởi nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa vũ trang của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào diễn ra.

Với chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra mạnh mẽ và giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Với khát vọng giành độc lập dân tộc, được sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào, cuộc đấu tranh với những tàn dư, tư tưởng đối lập trong nội bộ nước Lào diễn ra quyết liệt trước sức ép của quần chúng nhân dân.

Sáng ngày 12/10/1945, Uỷ ban Dân chúng Lào và Chính phủ Lào Ítxala tổ chức cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Viêng Chăn để làm lễ tuyên bố nền độc lập của quốc gia Lào và ban bố bản Hiếp pháp tạm thời. Hàng vạn nhân dân Lào, gồm công nhân, nông dân, học sinh, thanh niên, viên chức, người buôn bán và Việt kiều tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ vũ tinh thần đoàn kết, gắn bó, keo sơn, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Sau khi hai nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong đã có những cuộc gặp gỡ để trao đổi, thông tin qua lại với nhau về quá trình củng cố, xây dựng Chính phủ mới giữa hai nước Việt Nam – Lào, qua đó, gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đồng thời vun đắp, củng cố, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được. Hoàng thân Souphanouvong nhấn mạnh “Quan hệ Lào – Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới…”.

Hai nước tuyên bố độc lập chưa được bao lâu, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai (1946 – 1954) và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 – 1975).

Trước âm mưu từng bước mở rộng chiến tranh, dùng lãnh thổ nước này để xâm chiếm nước kia, biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới của thực dân Pháp, đòi hỏi Việt Nam, Lào và Campuchia phải liên minh, đoàn kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.

Nhu cầu hợp tác, giúp đỡ nhau kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược xuất phát từ hai Đảng, hai Nhà nước. Lào cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng vậy. Đó là sự hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vì cả mục tiêu chung và mục tiêu riêng; hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của cả hai nước vững bước tiến lên, phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước Việt Nam – Lào đã có bước phát triển mới về tổ chức, lực lượng, từng bước giành thế chủ động trên chiến trường. Những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đều bị lực lượng cách mạng, cùng nhân dân hai nước đập tan.

Quân giải phóng và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát về người và của, từng bước đánh bại cuộc hành quân, càn quét của quân địch, làm nên những chiến thắng vang dội, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự hai nước.

Với niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chính nghĩa, kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn; với sự đồng lòng, nhất trí của các tầng lớp nhân dân; sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình tiến bộ trên thế giới, quân và dân hai nước Việt Nam – Lào đã phối hợp chặt chẽ với nhau trên các chiến trường, nhất là ở mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế và binh vận.

Sau thắng lợi của nhân dân Việt Nam bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, “chấn động địa cầu, năm châu bốn biển”, làm phá sản hoàn toàn Kế hoạch Nava của thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, đánh dấu cột mốc quan trọng về sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào cách mạng ở Lào phát triển. Với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng, chớp thời cơ đẩy quân địch vào bước đường cùng, không cho chúng có cơ hội trở tay.

Với phương châm: “Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước cần chuẩn bị đề phòng tình hình có thể diễn biến xấu, không có lợi cho cách mạng, phải nâng cao cảnh giác, giữ vững ý chí chiến đấu”, thực dân Pháp buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Một trang sử mới đã mở ra cho lịch sử nước Lào trên con đường khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố hệ thống chính quyền, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.

Nhưng ngay sau đó, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp nhảy vào độc chiếm Đông Dương, xoá bỏ hiệp thương tổng tuyển cử, dựng nên chính phủ tay sai, bù nhìn ở mỗi nước, lê máy chém ở những khu vực, địa bàn mà chúng nghi là có cộng sản, che giấu cán bộ cách mạng, để giết hại rất dã man.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mỗi nước, một lần nữa cuộc đấu tranh cách mạng chống đế quốc Mỹ xâm lược và thế lực tay sai, phản động diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt, phức tạp. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù xâm lược, không để thành quả cách mạng đã có rơi vào tay kẻ thù, quân và dân hai nước đã “kề vai, sát cánh”, “đồng cam, cộng khổ”, “vào sinh ra tử”, thể hiện rõ ý chí, khát vọng “không gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh.

Hoàng thân Souphanouvong cũng khẳng định: “Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự, cùng chung kẻ thù là thực dân Pháp muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do vậy, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu”.

Trải qua những năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ, khó khăn, quân và dân hai nước Việt Nam – Lào đã đánh bại các kế hoạch chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, đó là: Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh, Lào hoá chiến tranh, chiến tranh mở rộng đánh phá miền Bắc Việt Nam, đánh phá các tỉnh đã được giải phóng của Lào…

Nhất là từ sau thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của cách mạng Việt Nam giải phóng tỉnh Quảng Trị và thắng lợi của chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng vào mùa mưa năm 1972 của cách mạng Lào, đồng thời đánh bại kế hoạch của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai muốn chiếm địa bàn chiến lược để giành thế có lợi cho giải pháp chính trị của chúng.

Thừa thắng xông lên, phát huy lợi thế chiến lược của cách mạng mỗi nước đang được nhân dân trong nước và bạn bè thế giới ủng hộ, trong đó đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã đến giai đoạn cuối, quyết định số phận của quân đội Mỹ và bè lũ tay sai, buộc chúng phải ngồi vào bàn đám phán Paris, ký hiệp định rút hết lính Mỹ và chư hầu về nước, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, phải để cho mỗi nước quyết định tương lai của đất nước mình, thông qua tổng tuyển cử, bầu ra những cơ quan lãnh đạo đất nước.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho cách mạng của mỗi quốc gia. Quân đội Mỹ và chư hầu về cơ bản đã rút hết quân về nước, chỉ còn nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn và những phần tử phản động ở Lào đang nơm nớp lo sợ, thoi thóp chờ quân giải phóng cách mạng ở mỗi nước tiến vào kết liễu số phận bán nước, bám gót quân xâm lược của chúng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với nước Lào, cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 2/12/1975. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước bước sang trang mới và đây cũng là thắng lợi trọn vẹn, đặt dấu mốc quan trọng và triệt để nhất của nhân dân Lào từ trước đến nay.

Thắng lợi đó không những đã khôi phục nền độc lập của Tổ quốc bị chà đạp trên hai thế kỷ, mà lần đầu tiên nhân dân Lào có một nền dân chủ thực sự. Chính quyền cách mạng được thiết lập trên phạm vi cả nước, chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân được xây dựng và kiện toàn, các quyền lợi cơ bản của người dân về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá được bảo đảm đầy đủ trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc cách mạng năm 1975 đã làm cho vận mệnh dân tộc và xã hội Lào thay đổi sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc xây dựng Tổ quốc Lào muôn vàn yêu quý của chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường độc lập, tự chủ, thống nhất và phồn vinh, bảo đảm vĩnh viễn cho nhân dân các dân tộc Lào cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Sau thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, hai nước Việt Nam – Lào bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt, phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão tác động đến mọi lĩnh vực, ngành nghề vừa tạo ra thời cơ, vừa đem lại những khó khăn, thách thức cho mỗi nước; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tìm mọi cách chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước…;

Trong nội bộ hai nước Việt Nam – Lào vẫn còn những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách và thực tiễn, đòi hỏi mỗi nước phải có bước đi thận trọng, phù hợp, nắm bắt thời cơ, vận hội, chủ động đẩy lùi nguy cơ, thách thức, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng của mỗi nước đến thắng lợi cuối cùng. Cho dù, thế giới có những thăng trầm, trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ, quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Lào vẫn ngày càng phát triển, càng trong khó khăn, hoạn nạn càng toả sáng, chứng minh cho mối quan hệ gắn bó keo sơn như tình anh em của hai nước Việt Nam – Lào.

Mối quan hệ đặc biệt này được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, coi đó là tài sản vô giá, là nhân tố có ý nghĩa sống còn bảo đảm thành công của cách mạng mỗi nước. Trong những năm vừa qua, hai nước Việt Nam – Lào đã thường xuyên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, tổ chức thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương. Hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục và đào tạo, giao lưu nhân dân… tiếp tục được tăng cường, đạt nhiều thành tựu to lớn.

Trong trái tim những người dân Việt Nam và các bộ tộc Lào, tình bạn thân thiết, ân tình và thủy chung giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong luôn sâu đậm. Trong những lần sang thăm và làm việc ở Việt Bắc, Hà Nội,… Hoàng thân Souphanouvong đã có rất nhiều bức ảnh đẹp, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân hai nước, nhắc con đầy nghĩa tình của Hoàng thân: “Hôm nay là ngày 19 tháng 5. Con đi mua hoa tươi, trái cây về để ta thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ” cứ ngân nga mãi.

Giờ đây, những bức ảnh tư liệu quý giá đó đang được lưu giữ tại Di tích Chủ tịch Souphanouvong, Bảo tàng Kaysone Phomvihane, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và ở nhiều nơi khác nữa. Cùng với thời gian, tình thân đó hàm chứa trong mỗi câu chuyện kể, trong mỗi tài liệu, hiện vật và ký ức của nhân dân hai nước về hai vị lãnh tụ, trong rất nhiều bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông ở giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và ở Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Lễ trao Huân chương của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương, tháng 4/2023

Trong suốt chiều dài lịch sử, mục tiêu, đường hướng xuyên suốt của hai nước Việt Nam – Lào là không ngừng củng cố, vun đắp và phát triển mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó, son sắc, keo sơn, thủy chung, bền chặt hơn. Đó là vấn đề sống còn, là tài sản vô giá mà lịch sử đã để lại. Các thế hệ lãnh đạo mỗi nước và người dân trân trọng, nâng niu, phát triển mối quan hệ này lên tầm cao mới, làm cho đất nước mình ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam – Lào “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt – Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Vì vậy, để củng cố, vun đắp, tình hữu nghị đặc biệt và phát triển mối quan hệ Việt Nam – Lào trong bối cảnh hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như sau:

Một là, thường xuyên giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về văn hoá của hai nước Việt Nam – Lào để tăng thêm sự hiểu biết về văn hoá, truyền thồng dân tộc của nhân dân hai nước.

Hai là, đầu tư xây dựng những công trình phúc lợi xã hội, giúp đỡ những bộ tộc Lào còn khó khăn; đầu tư một số công trình mang tầm cỡ quốc gia ở mỗi nước, qua đó để thấy được sự hiện diện, có mặt kịp thời, hiệu quả của hai nhà nước Việt Nam – Lào.

Ba là, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, xuyên tạc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước của các thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Bốn là, Việt Nam tích cực, chủ động giúp đỡ Lào về các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, chính quyền, văn hoá, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh.

Năm là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hai nước thấy được vị trí, vai trò của mối quan hệ Việt Nam – Lào đã có từ lâu trong lịch sử; từ đó, mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc củng cố, vun đắp, tình hữu nghị keo sơn, thủy chung và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào thông qua các hoạt động thực tiễn khác nhau.

Phát huy truyền thống đoàn kết keo sơn, gắn bó thủy chung son sắt của hai dân tộc có tính chất lịch sử và truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ của hai dân tộc phải có trách nhiệm giữ gìn vun đắp cho các thế hệ mai sau, là di sản vô giá của hai dân tộc. Với sự nỗ lực quyết tâm cao của hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam – Lào, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ, keo sơn, thủy chung. Mối quan hệ có một không hai trong lịch sử, “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Souphanouvong cũng khẳng định: “Tình nghĩa Việt – Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất”. Mối quan hệ đặc biệt khăng khít, gắn bó keo sơn, thủy chung giữa Việt Nam – Lào đã tạo ra sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để hai nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại chủ nghĩa thực dân và đế quốc, giải phóng dân tộc, đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững, từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Tài liệu tham khảo

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 94.

2.  Trần Đương (2007), “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong”, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, tr.20.

3. Thanh Mai, Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2012): Ân tình Hồ Chí Minh – Xuphanuvông: Từ một “cuộc gặp lịch sử”, Tạp chí điện tử Tuyên giáo ngày 31/8/2012.

4.  Kaysone Phomvihane (1975), “Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc”, ngày 2/12/1975.

5.  Souphanouvong (1945), “Bài phát biểu chào mừng của Hoàng thân Souphanouvong ngày 3/10/1945 tại Xavẳnnakhệt”.

6.  Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt – Lào, truyền thống và triển vọng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

7.  Nguyễn Phú Trọng (2022), “Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào”, ngày 18/7/2022, Báo Dân tộc và Phát triển.

8.  Nguyễn Văn Vinh (2008), “Những sự kiện lịch sử ở Lào (1933 – 1975)”, Nxb. Lao động, Hà Nội.

Nguyễn Duy Dũng – Thạc sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc

Lê Phú Thắng – Tiến sĩ, Trường Hữu nghị T78

Hà Trọng Nghĩa – Tiến sĩ, Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Ủy ban Dân tộc.

Facebook

Bình luận

*