Thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 – 2019, ngày 29-30/3/2019, Trường Hữu Nghị T78 tổ chức cho các em học sinh khối 10 đi trải nghiệm thực tế tại khu Di tích lịch sử K9 – Đá Chông, Ba Vì – Hà Nội và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông.
Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau này trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Trung đoàn 36 – Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.
Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông.
Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng. Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách được giao vẽ thiết kế ngôi nhà 2 tầng, phỏng theo kiểu nhà sàn. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 và đến tháng 9 năm 1959 bắt đầu khởi công xây dựng. Bộ đội Công binh xây dựng một hệ thống công sự kiên cố. Quá trình xây dựng, khu vực này mang mật danh “Công trường 5”, (gọi tắt là KV). Theo gợi ý của Bác, khu căn cứ của Trung ương chia làm 3 khu vực. Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Quá trình thi công, Bác Hồ đã lên thăm và trực tiếp kiểm tra nhiều lần. Ngày 15 tháng 3 năm 1960 ngôi nhà 2 tầng được hoàn thành, Bác đã đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành. Từ lúc này nơi đây được đổi tên thành “Khu căn cứ K9” (gọi tắt là K9).
Trong 9 năm (từ 1960 – 1969) Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Quân đội đã nhiều lần đến làm việc tại đây. Đặc biệt, ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đã lên họp tại K9. Bác và các đồng chí cùng đi đã trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5 tháng 8 năm 1964) và một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân. Cũng tại nơi này, Bác đã từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu- phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vĩ – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.
9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. K9 đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác. Lúc này K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”.
Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1969 – 1975), thi hài Bác được giữ gìn bảo quản tại K9 ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30 tháng 4 năm 1975), miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mong đợi được đón Bác về Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời K84 về Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử. Lúc này Khu căn cứ K84 trở thành căn cứ dự phòng cho Lăng Bác.
Tại đây, các em học sinh được thắp hương trước Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thì hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Bên trái của khu đồi là dòng sông Đà êm đềm chảy, du khách có thể chụp ảnh lưu niệm với cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng.
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Đến với Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, các em được tìm hiểu những nét văn hóa, những phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét riêng biệt, độc đáo tạo nên một Việt Nam đa bản sắc, đa dân tộc. Chúng ta còn bị hấp dẫn và quyến rũ bởi lối kiến trúc kì lạ, độc đáo của những ngôi nhà tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam.
Qua chuyến thực tế học sinh hiểu hơn về cuộc đời thân thế sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và cảm nhận nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Mặt khác, chuyến đi thực tế này rất có ý nghĩa nhằm tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam.
Hồng Minh – Ban TT&TT