Những thành tựu đạt được

  1. Trường là đơn vị chuyên biệt, làm nhiệm vụ đặc biệt do 2 Đảng, 2 nhà nước Việt Nam – Lào giao

Trường được thành lập sớm, có bề dày truyền thống lịch sử 60 năm. Nơi cung cấp nguồn chuyên gia giáo dục giúp Lào. Nơi cội nguồn, bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt giúp các trường thuộc tỉnh mới thành lập đào tạo lưu học sinh Lào. Giới thiệu, chọn cử nhiều cán bộ, giáo viên đào tạo ở bậc học cao hơn để làm tốt hơn công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên giao. Nơi đào tạo số lượng lưu học sinh Lào đông nhất (21.768 lưu học sinh từng học ở đây). Nơi có niềm tin về chất lượng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục ở bậc học cao hơn tại Việt Nam.

Từ đây, nhiều lưu học sinh Lào trưởng thành, đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào từ trung ương tới địa phương. Nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, y tế, ngoại giao…đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Lào, vun đắp mối tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào

  1. Vượt mọi gian nguy, đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản

 Do tính chất, nhiệm vụ “đặc biệt” nên địa điểm của trường thường xuyên không ổn định, liên tục sơ tán, di chuyển; điều kiện hoạt động khó khăn. Từ năm 1958 đến năm 1980 lưu trú tại 15 xã, 7 huyện, 6 tỉnh. Trường lớp phân tán nhiều điểm lẻ, xa cách trung tâm, chủ yếu ở vùng núi sâu, vùng xa.

(1) Tại tỉnh Thái Nguyên 1958 – 1961

Khi mới thành lập, Khu học xá thường trú tại xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ và Cây số 5 đường Thái Nguyên – Bắc Cạn, nay thuộc phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên. Đây là điểm khởi nguồn.

Giai đoạn này, Khu học xá trực thuộc Ban Công tác miền Tây, mọi hoạt động chưa công khai.

(2) Tại tỉnh Bắc Giang 1961 – 1966

Tháng 6/1961, sau khi khu trường mới dành cho lưu học sinh Lào hoàn thành, Trung ương quyết định chuyển “Khu học xá miền núi Trung ương” về tiếp nhận, quản lý và sử dụng, đồng thời đổi thành “trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương”.

Giai đoạn này, trường thường trú tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tại đậy, trường phải sơ tán đến nhiều xã thuộc huyện Tân Yên, như: Vinh Quang (1965), Phúc Hòa (1966) do đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

 (3) Tại tỉnh Vĩnh Phú 1966 – 1975

Năm 1967, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc với diện rộng và cường độ ác liệt, Bộ Giáo dục yêu cầu trường sơ tán về huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú. Tại Vĩnh Phú trường thường trú tại 6 xã, thuộc 02 huyện Thanh Sơn và Tam Nông. Tại đây, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường phân tán nhiều điểm. Mỗi điểm cách nhau từ 3-5 km.

Năm 1970, Mỹ tạm ngừng bắn phá miền Bắc, để giảm bớt khó khăn, Bộ Giáo dục quyết định chuyển trường ra gần trung tâm, nhưng đến năm 1972, Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc ác liệt bằng B52, nhằm giảm mật độ học sinh tại Phương Thịnh, trường lại tiếp tục chia nhỏ thành 4 khối, tản ra nhiều thôn của xã Phương Thịnh, xã Hùng Đô và xã Quang Húc. Tại đây, thầy trò tiếp tục được nhân dân 3 xã giúp đỡ đào hầm trú ẩn để tránh bom đạn Mỹ.

Do phân tán, cơ sở vật chất tạm bợ, thường xuyên phải cảnh giác, quan sát phòng tránh giặc Mỹ ném bom, nên hoạt động của trường thời kì này rất khó khăn. Trải qua gần chục lần sơ tán nhưng thầy trò vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn.

 (4) Tại tỉnh Hà Nam Ninh 1975 – 1978

 Năm 1975, đất nước thống nhất, học sinh miền Nam hồi hương. Bộ Giáo dục giao trường tiếp quản và sử dụng cơ sở vật chất của Trường học sinh miền Nam số 22 tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Hà Nam Ninh.

(5) Tại tỉnh Hà Sơn Bình 1978 – 1980

Năm 1978, Bộ Giáo dục quyết định chuyển trường về tiếp quản trường Học sinh Dân tộc miền Nam số 11 tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Sơn Bình để gần trung tâm Thủ đô hơn

(6) Tại thành phố Hà Nội từ 1980 đến nay

Thực hiện Quyết định số 791/QĐ ngày 25/6/1980 của Bộ Giáo dục, trường chuyển về thường trú tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay trường ổn định và phát triển trong xu thế đổi mới.

  1. Trường sống trong “Nghĩa Đảng, tình dân”

Đầu năm 1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Thái Nguyên, Bác dành thời gian về thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường. Bác căn dặn “Phải học chăm, học giỏi”. Với nhà trường Bác dạy “Phải mở rộng cửa trường cho học sinh ra tiếp xúc với nhân dân địa phương, lấy nhân dân bảo vệ bí mật cho trường chứ đừng đóng cổng  nhốt học sinh trong trường mà gọi là bí mật”

Thấm nhuần lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, ở đâu trường cũng chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Phối hợp chính quyền và nhân dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia các phong trào và nhiệm vụ chính trị của cơ sở nên được nhân dân tin yêu. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình trường luôn được “Sống trong nghĩa Đảng tình dân”.

Thời chiến, đi đến đâu cũng được nhân dân tin yêu, giúp đỡ và dành tất cả những gì tốt nhất cho lưu học sinh, như: dành đất làm nhà, đình, đền, chùa làm lớp học; nhân dân giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho Bạn; quan tâm đặc biệt về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho lưu học sinh ngày một đầy đủ, phong phú hơn; nhiều gia đình nhận lưu học sinh Lào làm con nuôi; người Việt với lưu học sinh Lào kết tình anh em, đến nay vẫn gắn bó thân thiết; nhân dân địa phương và nhà trường tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ mang lại đời sống tinh thần phong phú…

Khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh Lào, như: chuyển trường về gần Thủ đô để trực tiếp chỉ đạo; dành cho trường tiếp quản những cơ sở vật chất tốt nhất để lưu học sinh Lào học tập, rèn luyện.

Thời kì đổi mới được địa phương dành nhiều ha đất mở rộng khuôn viên. Đến nay, trường có địa điểm lý tưởng: sát Quốc lộ 32, cách trung tâm Thủ đô 35 km về phía Tây. Cách làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam 10 km, thuận tiện giao thông, giao lưu để học sinh, sinh viên có cơ hội học tập, phát triển năng lực, rèn luyện kỹ năng.

Trường ở khu vực nông thôn, tốc độ đô thị hóa chậm. Hệ thống chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội tốt. Môi trường tự nhiên và xã hội lành mạnh. Mối quan hệ giữa trường với địa phương hài hòa; nhân dân và lãnh đạo địa phương quan tâm tạo điều kiện giúp trường trong mọi hoàn cảnh. Nhiều gia đình không ngần ngại, sẵn sàng đón nhận lưu học sinh Lào về sống tại nhà theo chương trình “Homestay”.

  1. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và lưu học sinh, sinh viên luôn nỗ lực phấn đấu đảm bảo an toàn, khắc phục khó khăn, duy trì các hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thiện theo quy chuẩn.

Giai đoạn đầu 1958 – 1961 hoạt động không công khai; là giai đoạn khởi đầu, xây dựng và hoàn thành mô hình trường Văn hóa dành cho nước bạn Lào tại Việt Nam. Mọi công việc đều xa lạ mới mẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên tự tìm tòi sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt do Đảng giao.

Giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, trường là mục tiêu thu hút máy bay địch, nhưng nhân dân vẫn giang rộng vòng tay đón nhận giúp đỡ. Chính quyền địa phương giúp hàng ngàn cây tre, cây bương làm lán; đào đắp hàng trăm hầm chữ A; hàng ngàn mét giao thông hào và công sự tránh trú máy bay Mỹ; giáo viên và học sinh tạm trú trong nhà dân được nhân dân sẻ chia cả vật chất, tinh thần.

Phương châm “Bí mật”; “An toàn” đặt lên hàng đầu, nên trường “nhiều lần đổi tên” dùng nhiều “mật danh khác nhau”; “di chuyển nhiều lần, nhiều nơi”. Ăn ở, học hành “Phân tán nhỏ lẻ” “Sống trong vùng sâu, xa, rừng núi âm u”; “Ở nhờ nhà dân” “Ở đâu cũng phải đào hầm hào; đắp lũy, đào đắp công sự”…Chấp nhận cuộc sống gian nan, vất vả thiếu thốn, “di chuyển, tiếp nhận, tiếp quản, xây dựng rồi bàn giao”.

Cơ sở vật chất tạm bợ “tranh, tre, nứa lá”. Lớp học nền đất, tường vách nứa, mái cọ; bàn ghế là bương tre; đình, đền, chùa cũng làm lớp học. Lớp học “hạ thổ”, đắp lũy, công sự, giao thông hào và hầm chữ A bao quanh.

Thầy trò phải đào hầm, hào, vào rừng chặt tre nứa làm lán, bị muỗi, vắt cắn chảy máu; đời sống thiếu thốn, gian khổ nhiều bề. Trường học xa đường, xa trung tâm, đi lại lên tỉnh hoặc về Trung ương rất khó khăn, phải qua suối, qua đèo. Nếu gặp mưa phải vượt qua những dòng nước xiết, rất nguy hiểm.

Đây là giai đoạn di chuyển và chủ động sơ tán để bảo đảm an toàn về người và tài sản; chuyển đổi hoạt động từ thời bình sang thời chiến; thiết lập hình thức dạy học phân tán, vừa học vừa tránh trú máy bay Mỹ bắn phá; dặm đường gian nan, ác liệt, nhưng rất đỗi hào hùng.

Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân địa phương nơi trường lưu trú cùng những thông tin dự báo đúng, quyết đoán cao; linh hoạt trong kế hoạch; kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức, triển khai phòng tránh nên nhiều trận bom đạn Mỹ oanh tạc vào chính trung tâm làm Hội trường sập, tháp nước đổ, trường tan hoang, nhưng trường đã kịp thời sơ tán, vì vậy tính mệnh của lưu học sinh được bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Chiến tranh ác liệt là thế, nhưng mọi hoạt động của trường vẫn sôi nổi, như: phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”; “Dạy thật tốt, học thất tốt” “tăng gia sản xuất”; đặc biệt phong trào phản đối chiến tranh do cán bộ, giáo viên và học viên tổ chức đã hun đúc tinh thần “Liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào chống kẻ thù chung” để lại ấn tượng không bao giờ phai.

Giai đoạn 1978 – 1995 trong hoàn cảnh chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt; tiếp đến bị địch bao vây cấm vận; khủng hoảng kinh tế kéo dài, rồi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đổ vỡ, đất nước gặp nhiều khó khăn.

Đây là giai đoạn trường tiếp quản cơ sở mới, vừa xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất vừa kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định đội ngũ, đồng thời cũng là thời kỳ quá độ và chuyển đổi nhiệm vụ: từ bổ túc văn hóa sang đào tạo dự bị tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và thực hiện nhiệm vụ bổ sung giảng dạy chương trình bổ túc văn hóa, rồi chuyển đổi sang hệ phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam. Thời điểm này, quy mô trường lớp tập trung hơn; công tác quản lý, hoạt động dạy, học và chăm sóc nuôi dưỡng lưu học sinh Lào phát triển mạnh. Từ năm 2010 đến nay, trường từng bước ổn định và tăng trưởng.

Về dạy học, tích cực sáng kiến cải tiến trong giảng dạy, như: tham gia tổ chức đào tạo tiếng Lào trình độ A và B phục vụ công tác cắm mốc và quản lý biên giới. Tổ chức và tham gia biên soạn bộ Giáo trình tiếng Việt cơ sở dùng dạy và học cho người Lào tại Việt Nam. Tổ chức cải tiến, biên soạn một số tài liệu bổ trợ giáo trình tiếng Việt dạy cho người Lào theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài.

Thực hiện hệ thống hóa kiến thức các môn văn hóa cơ bản khối THCS làm tài liệu bổ trợ giúp học sinh phổ thông DTNT tiếp cận kiến thức mới ở bậc THPT tốt hơn. Tham gia viết Giáo án tích hợp liên môn đạt giải Nhất thành phố Hà Nội, giải Ba cấp Ngành. Học sinh tham gia Cuộc thi “vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề thực tiễn” đạt 04 giải Ba, 01 giải khuyến khích thành phố Hà Nội.

Về tinh thần tự học, tự nghiên cứu: hiện nay 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn, trong đó, 01 Tiến sĩ khoa học, 28 thạc sĩ; 07 đồng chí đang theo chương trình sau đại học; 04 đồng chí hoàn thành Cao cấp lý luận; 03 đồng chí đã hoàn thành và 04 đồng chí đang theo học chương trình Trung cấp lý luận.

  1. Hữu Nghị T78 – Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết, hữu nghị

Năm 1995, được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung nhiệm vụ “Giảng dạy chương trình THPT cho con em dân tộc thiểu số Việt Nam”. Dưới mái trường Hữu Nghị T78, học sinh các dân tộc Việt Nam cùng học tập, sinh hoạt, vui chơi với lưu học sinh Lào. Đó là cơ hội thuận lợi, tạo nên môi trường thực hành tiếng Việt cho Bạn, đồng thời hiện thực hóa tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.

Các thế hệ học sinh Việt Nam và lưu học sinh Lào đều biết vượt qua khó khăn; sống có kỷ luật, tạo cho mình thói quen tự lập trong học tập, nghiên cứu khoa học; tự giác rèn luyện thông qua việc tham gia vào quá trình tự nhận thức và tự đào tạo về tri thức, đạo đức, sức khỏe và thẩm mỹ, xứng đáng với các thế hệ cha anh,

Trong thời đại mới, cùng sống chung trong một mái nhà, học sinh các dân tộc Việt Nam và lưu học  Lào rất tự hào và nhận rõ trách nhiệm góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam bền vững, hội tụ và lan tỏa.

  1. Giương cao ngọn cờ truyền thống 60 năm, cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên tiếp bước tô đậm thành tích, tiếp tục củng cố khắc sâu quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

Cấp ủy nhà trường luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ: đủ về số, mạnh về chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ.

Giai đoạn 1958 – 1962 là cơ sở Đảng đặc thù thực hiện công tác đối ngoại không công khai, trực thuộc Ban Bí thư thông qua Ban công tác miền Tây.

Từ năm 1962 đến năm 1979, Đảng ủy thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy các tỉnh, thành. Từ năm 1979, Đảng bộ trực thuộc huyện ủy các huyện nơi trường thường trú và Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục.

Thực hiện quy định Điều lệ Đảng, công tác tổ chức Đảng luôn được kiện toàn phù hợp với tính chất, nhiệm vụ chính trị của trường từng giai đoạn. Đảng bộ liên tục đạt “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, năm 1984 được Thành ủy Hà Nội tặng cờ “Đảng bộ vững mạnh tiêu biểu”.

Thực hiện lời Bác dạy và tâm niệm lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam – Lào, giai đoạn đổi mới, toàn trường nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có những mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Công tác quản lý, giáo dục và  phục vụ học sinh, sinh viên đạt hiệu quả. Thực hiện hoạt động nội trú theo quy tắc ứng xử văn hóa học đường. Phối hợp Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng cụm an ninh liên kết, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Trường thường xuyên được Sở Công an Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng.

Việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nghiêm túc, hiệu quả, nhất là chế độ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên được bảo đảm đầy đủ, đúng quy định.

Thực hiện đổi mới chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, sinh viên tận tình, chu đáo, Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đủ dinh dưỡng; đúng chế độ; thực hiện công khai, minh bạch. Thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, sinh viên. Trạm y tế trang bị đủ thiết bị và cơ số thuốc đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu và khám điều trị bệnh thông thường. Ốm đau đột xuất, bệnh trọng chuyển tuyến kịp thời.

Trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên  trường luôn nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm, với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” với Phương châm của trường “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn hữu là anh em”

Kiên trì vận dụng sáng tạo nguyên lý, phương châm “Giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành”; “Nhà trường gắn liền với xã hội”; “Lý luận gắn với thực tiễn”. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng niu trân trọng truyền thống vẻ vang; rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục, đào tạo góp phần vào sự nghiệp hợp tác quốc tế, củng cố, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

  1. Kết quả đào tạo – Niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên nhà trường

7.1. Đối với lưu học sinh Lào

Tính đến 30/4/2017, gần 60 năm, 50 khóa học, đào tạo được 21.768 lưu học sinh Lào. Trong đó có những Cựu lưu học sinh tiêu biểu đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào… Trong đó có những Cựu lưu học sinh Lào tiêu biểu như:

  1. Đồng chí Bun-Nhăng Vo-la-chit, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
  2. Đồng chí Pan-ny Ya-tho-tu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
  3. Đồng chí Bun-Thong Chit-Ma-ny, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ
  4. Đồng chí Xay-sôm-phon Phoom-vi-hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước
  5. Đồng chí Chan-sá-mỏn Chăn-nha-lạt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng
  6. Đồng chí Sẻng-nuôn Xay-nha-lát, bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội
  7. Đồng chí Chạ-lơn Dia-pao-hơ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Trưởng ban phát ngôn Chính phủ
  8. Đồng chí Bo-xẻng-khăm Vông-đa-la, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin
  9. Đồng chí Nam Vị-nha-kệt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng Ata Pư
  10. Đồng chí Sạ-mản Vị-nha-kệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội
  11. Đồng chí Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
  12. Đồng chí Ô-xa-kan Tham-mạ-thê-va, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban tư tưởng Trung ương;
  13. Đồng chí Phim-ma-sỏn Lường-khăm-ma, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Thể thao Lào, nguyên Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luông Nặm Thà

Và nhiều đồng chí Bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, tỉnh trưởng, nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học…Họ đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.

* Trong số 129 chiến sĩ Pathetlaos là học viên của Khu học xá năm 1958 – 1959 có hai Anh hùng lực lượng vũ trang Lào, gồm: Xút Chay và Khăm Cang.

7.2. Đối với học sinh các dân tộc Việt Nam

Tính đến 30/4/2017, qua 22 năm, 18 khóa học, đào tạo được 4.836 học sinh dân tộc thiểu số và 69 học viên là giáo viên tiểu học, kiêm y tế cơ sở, trong đó có những học sinh tiêu biểu, như:

  1. Nguyễn Thu Đào, khóa 1995-1997, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang.
  2. Bùi Thị Nhung, khóa 1996-1998, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
  3. Phan Thông Quyết, khóa 1996-1998, Chủ tịch xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
  4. Ma Thượng Sinh, khóa 1995-1999, Phó Giám đốc Đài Truyền thanh, truyền hình huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
  5. Vi Mạnh Cường, khóa 2001-2004, Giám đốc Văn phòng công ty Việt Hà – Hà Tĩnh tại Bắc Giang.
  6. Bàn Văn Thắng, khóa 1996-1998, Thiếu tá, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội Biên Phòng Sơn La.
  7. Hà Xuân Nguyên, khóa 1998-2000, Đại úy, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phiềng Păn, huyện Mai Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La.

Họ là những cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao đã đang góp phần quan trọng xây dựng quê hương, đất nước

* Trong quá trình đào tạo, có những học viên đặc biệt, như: Lý Văn Ba, sinh ngày 20/10/1965, dân tộc Phù Lá; khi về trường học anh là Trưởng thôn Bắc Công, xã Hợp Thành, thị xã Cam Đường, tỉnh Lào Cai; đại biểu Quốc hội khóa X, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội.

* Tính đến nay (2017) có 06 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng khi đang là học sinh của trường, gồm: học sinh Phùng Thị Hoa, Giàng Thị Mai, Triệu Thị Thủy, tỉnh Lào Cai; Hà Thị Mai, tỉnh Hà Giang; La Như Quỳnh, tỉnh Yên Bái; Điều Văn Thẩm, tỉnh Sơn La.

Ban TT&TT

Facebook

Bình luận

*