Năm 2004, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi về nhận nhiệm vụ tại trường Hữu Nghị T78, một ngôi trường có bề dày truyền thống giảng dạy tiếng Việt cho các bạn lưu học sinh Lào. Kể từ đây, lần đầu tiên tôi có cơ hội được tiếp xúc và hiểu thêm nhiều điều về văn hóa xứ sở hoa Chămpa xinh đẹp, trong đó có ẩm thực.
Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không có biển, chỉ có núi non và những cánh rừng xanh bạt ngàn bao quanh. Với diện tích 236.800 km2 và dân số chỉ 6 triệu người, Lào là nước có mật độ dân số khá thấp. Nền kinh tế còn nghèo chủ yếu dựa vào rừng và sông Mekong nhưng với sự nỗ lực của mình, đời sống nhân dân Lào đang ngày một đi lên.
Đến với Lào là đến với xứ sở của Phật giáo, nơi có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới với tổng cộng 1.400 ngôi chùa (1400 ngôi chùa/6 triệu người) . Chùa gắn với trường học, gắn cả với đời. Thăm đất nước Lào, tôi khá ấn tượng với những ngôi chùa kiến trúc độc đáo và những mái chùa cong cong lạ mắt. Cùng với chùa chiền là những lễ hội quanh năm, tháng nào cũng có. Lễ hội là dịp vui chơi, múa hát tưng bừng của nhân dân Lào. Trong lễ hội, người Lào vui chơi là chính, những điệu múa lam vong, những điệu nhảy truyền thống rộn rã khắp nơi.
Độc đáo và ấn tượng nhất có lẽ là ẩm thực Lào. Mang phong cách ẩm thực tương tự các quốc gia láng giềng là Campuchia và Thái Lan: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, ẩm thực Lào lại có những nét đặc trưng rất riêng. Người Lào ăn gạo là chính. Tuy nhiên, họ thường ăn cơm nếp, dùng gạo nếp chứ không phải gạo tẻ. Đây là loại lương thực phổ biến hàng đầu tại quốc gia này. Người Lào cho rằng, ăn “xôi” sẽ no lâu, điều đó giúp họ tràn đầy năng lượng trong suốt ngày làm việc. Xôi nếp được nắm thành từng viên nhỏ, rồi dùng tay ăn bốc chứ không dùng đũa thìa. Bởi thói quen ấy nên người Lào có món cơm Lam là đặc sắc hơn cả. Món ăn cũng giống với cách chế biến quen thuộc ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam.
Các món ăn Lào có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh, và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Ớt là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Lào và vị cay của nó đã trở thành một nét văn hóa. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc … Món ăn tiêu biểu của người Lào là sự pha trộn giữa cay và ngọt, được trung hòa thêm thảo mộc. Mắm cá (pa dek) và mắm Cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, củ hành… hầu như nhà nào cũng có và nước mắm (nám pla) được người Lào sử dụng hết sức phổ biến.
Ai đã một lần đến đất nước Triệu Voi chắc chắn không thể nào quên món Lạp, món canh trứng kiến, các món nộm cay xé lưỡi, đặc biệt là các món ăn độc đáo chế biến từ côn trùng v.v…
Lạp tiếng Lào có nghĩa là may mắn, là món ăn truyền thống trong lễ hội của người Lào và cũng là món ăn dân tộc gần gũi nhất của họ. Món lạp không thể thiếu trong Tết cổ truyền Bunpimay. Được làm từ thịt động vật, thường là thịt bò, thịt hươu hoặc có thể là thịt trâu, cá. cay.
Người ta thường dùng Lạp chung với các loại rau như húng lủi, ngò gai. Lạp thường được người Lào ăn cùng cơm nếp rất ngon miệng. Đây là món ăn đãi tiệc, thường được dọn ra trong những dịp đặc biệt hoặc cho những vị khách danh dự.
Bên cạnh món lạp, món nướng của Lào cũng rất đặc sắc và hấp dẫn. Nguyên liệu chủ yếu cho món nướng là các loại gà, cá, heo, bò…. Bước vào các quán ăn và các khu chợ đêm của Lào bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh quầy đồ nướng là những chiếc bàn kê liên tiếp, bên trên lót những tấm lá chuối còn xanh mướt, dính đầy dầu mỡ của những xiên thịt. Những xiên đồ ăn xếp đầy mặt bàn. Nào là cá lóc xiên nướng trui, là cá chẽm (hay cá hồng) nướng lửa than; đùi gà, cánh gà, hay cả con gà được xiên hay kẹp bằng xiên tre, vàng ươm; những con chim cút bóng loáng, những tảng thịt heo ba rọi da giòn nằm ngay ngắn trên tàu lá chuối còn xanh.
Người Lào thường sử dụng sả trong chế biến ẩm thực. Điển hình là món cá nướng: cá được làm sạch, moi ruột, nhét vào vài cây sả, bên ngoài tẩm muối ớt rồi đem nướng trên than hồng.Cá nướng vốn đã thơm phức, lại quyện vào mùi hương của sả cây, càng làm cho món ăn thêm hấp dẫn.
Bên cạnh các loại thịt, cá nướng còn có món xúc xích Lào bằng thịt heo, gọi là “sai gog”. Món này làm từ thịt heo xay, cơm, xả và các loại gia vị khác.Loại xúc xích này có thể chiên rồi đem làm nóng trên vỉ nướng than, có vị hơi nhẫn nhẫn giống dồi trường của ta, là món đặc sản của người Lào, bên cạnh Lạp.
Đến thăm đất nước Lào, chắc chắn không thể quên được các món ăn từ côn trùng. Giống như người Campuchia và Thái Lan, người Lào rất thích các món ăn được chế biến từ côn trùng. Từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon. Đắt nhất vẫn là con cà cuống – một loại côn trùng có ích sống nhiều ở đồng ruộng Campuchia với hương vị thơm cay. Tuy nhiên, món ăn từ côn trùng của Lào lại ít món hơn người Thái Lan và ít phổ biến hơn.
Thức uống thường dùng của Lào có LauLao, Fanthong (gần giống với rượu cần), NamSa (trà pha nhạt), cà phê… Đặc biệt là món dừa nướng. Dừa để nguyên trái nướng vừa phải, lột vỏ rồi ướp lạnh. Nước dừa có vị ngọt và thơm rất lạ, cơm dừa dẻo ăn rất ngon.
Nước dừa được tìm thấy hầu hết trong các loại thức uống, người Lào có thói quen hay pha trộn nước dừa với các lọai thức uống khác. Lau Lao – một loại rượu nhẹ làm từ cơm nếp lên men uống với chút chanh và Pepsi. Rượu Lào dễ uống, khó say, nhưng khi say không gây nhức đầu. Các thực phẩm dùng để nấu rượu, xôi, cơm… và gia vị của người Lào và không bắt chước được. Theo tập quán, trong các bữa tiệc lễ hội, vài người ngồi uống Lau lao cùng một lúc bằng những cái ống dài hút rượu từ một bình sứ.
Cà phê Lào thì tuyệt vời, đa số được trồng từ cao nguyên Bolovens màu mỡ ở Nam Lào. Người Lào thích uống cà phê đậm và ngọt, vì thế người ta hay cho thêm đường và sữa đặc vào cà phê. Cà phê thường được pha từng ly, uống kèm với một cốc Nam Sa, một thứ Trà Tàu pha nhạt. Lào cũng có thương hiệu bia riêng, bia Lào dễ uống và dễ dàng tìm thấy ở hầu hết quán ăn hay nhà hàng nào trên khắp đất nước. Bia Lào mà được dùng với các đồ nhắm đặc trưng của Lào như: thịt bò khô, mỏ vịt nướng, da trâu, gân gà v.v.. thì đảm bảo bạn không bao giờ quên được.
Về cách ăn uống, không giống như Phương Tây, người Lào không ăn quanh bàn ăn cao mà ngồi xổm trên nền nhà, người Lào mang lên bàn cùng một lúc các món ăn. Quan niệm Piep – là cha mẹ, là bề trên luôn ăn miếng đầu tiên để khai mạc bàn ăn, theo thứ tự tuổi tác sẽ ăn các món sau tiếp theo.
Khách đến nhà sẽ tuân theo những quy tắc bắt buộc được xem là nét văn hóa rất riêng của mình, khách không được ngồi ăn trong khi những người khác đã đứng dậy. Tập quán của người Lào là luôn chừa lại thức ăn trong đĩa khi đã ăn xong, nếu khách không chừa lại thức ăn, người ta sẽ cho là khách ăn không đủ no. chủ nhà sẽ bị mất thể diện. Người Lào rất sạch sẽ đến mức kỹ tính, họ có thói quen rửa tay không chỉ trước mà cả sau bữa ăn.
Nếu một lần được đến Lào, được thưởng thức món ăn độc đáo và thức uống riêng biệt của Lào chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi!
Phúc Thọ ngày 5 tháng 7 năm 2017
(Trích từ bài dự thi tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”. Tác giả: Nguyễn Phong Thu)