TRƯỜNG HỮU NGHỊ T78 – NƠI GÓP PHẦN CỦNG CỐ
MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO
VÀ HIỆN THỰC HÓA CHÍNH SÁCH ĐẠI ĐOÀN KẾT
CÁC DÂN TỘC CỦA ĐẢNG
(Diễn văn của đồng chí Nguyễn Toàn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường )
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam – Lào!
Kính thưa Ngài Đại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam!
Kính thưa các vị đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ươn và địa phương!
Kính thưa các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, các cựu lưu học sinh và học sinh, sinh viên!
Năm 1954, hòa bình lập lại ở Việt Nam, năm 1955 Đảng nhân dân cách mạng Lào ra đời. Từ đó cục diện cách mạng 2 nước Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn mới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực qua đào tạo.
Khởi đầu từ 129 chiến sĩ Pa thét Lào được chọn cử sang Việt Nam học văn hóa và được biên chế thành một đơn vị độc lập, mang phiên hiệu “T399” thuộc trường Văn hóa Quân đội, Quân khu Việt Bắc.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập “Khu học xá miền núi Trung ương” trực thuộc CP31 (CP31 sau này là CP38) và tổ chức khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 01/01/1958.
“Khu học xá Miền núi Trung ương” tiền thân của Trường Bổ túc Văn hóa Miền núi Trung ương (mang mật danh T78), Trường Bổ túc Văn hóa Hữu Nghị (tên gọi giai đoạn 1980 đến 2010) và Trường Hữu Nghị T78 ngày nay.
“Khu học xá miền núi Trung ương” trở thành ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam dành cho lưu học sinh Lào học tiếng Việt và Văn hóa cấp I,II,III. Đây là một quyết định “đặc biệt”, “hiếm có” mang tầm chiến lược của Đảng, đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào thông qua mô hình đào tạo của một trường cụ thể. Điều “đặc biệt” này chỉ có thể lý giải bằng mối quan hệ “Tự bao đời nay” của hai dân tộc Việt Nam – Lào.
Trường Bổ túc Văn hóa Miền núi Trung ương phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo tiền đề quan trọng và trở thành nơi cung cấp nguồn cán bộ cốt cán cho sự ra đời mạng lưới trường “T” tại các địa phương, như: Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tây…nhằm chia sẻ nhiệm vụ đào tạo khi lưu học sinh Lào sang Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Tất cả những điều đó nói lên sự cần thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của nhiệm vụ mà Nhà trường đã, đang thực hiện, đó là: chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Lào, một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững ở giai đoạn đầu cũng như hiện tại và sau này đối với thành quả Cách mạng của hai nước Việt Nam – Lào, như lúc sinh thời Bác đã căn dặn “giúp Bạn là tự giúp mình”
Tính từ ngày 01/01/1958 đến nay, trường Hữu Nghị T78 đã trải qua 60 năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc: Nhiều lần phải di chuyển địa điểm; nhiều lần phải thay đổi tên gọi cho phù hợp với tính chất nhiệm vụ hoặc phải dùng mật danh để đảm bảo bí mật, an toàn. Có giai đoạn gian khó tưởng chừng không thể vượt qua, trường đứng trước nguy cơ giải thể.
Năm 1995, Nhà trường được bổ sung nhiệm vụ giảng dạy văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhiệm vụ mới xuất phát từ thực tiễn, vừa mang tính chiến lược, vừa là giải pháp duy trì sự tồn tại của trường. Thực tiễn đã chứng minh “đây là sự bổ sung hợp lý”, thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục đối với Trường.
Cả hai đối tượng học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam và lưu học sinh Lào có những nét tương đồng, gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán, rất thuận lợi cho việc bổ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt. Nhiều học sinh dân tộc và lưu học sinh Lào sinh sống ở vùng biên cương của Tổ quốc, tương lai không xa chính họ sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng tại chỗ, góp phần đảm bảo sự bình yên cho quê hương, đất nước.
Suốt chặng đưòng 60 năm hoạt động, trường Hữu Nghị T78 trải qua 9 lần di chuyển, đứng chân ở 15 xã, 7 huyện, 6 tỉnh, thành khác nhau. Chặng đường dài vượt qua biết bao thử thách: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn biến động…Không thể nào quên những phòng học tranh, tre, nứa lá, tường lũy bao quanh; đình, đền, chùa trở thành lớp học nơi sơ tán. Quên sao được những trận bom đạn Mỹ tàn phá mái trường ở Kim Tràng nhưng thầy trò không bị thương vong vì đã kịp thời sơ tán. Không thể quên những ngày “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”: từ Đồng Hỷ, Thái Nguyên về Tân Yên, Hà Bắc đến Thanh Sơn, rồi Tam Nông, Phú Thọ, tiếp đến Nho Quan, Hà Nam Ninh, rồi lại Chương Mỹ, Hà Sơn Bình…vào vùng núi sâu, xa xôi hẻo lánh, cách trở suối sông; cơm ăn nhiều bữa không no, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần quá thiếu….biết bao gian khó trong những ngày sơ tán…những năm tháng tuyển sinh không đủ, đời sống cán bộ khó khăn, nguy cơ không tồn tại…Tất cả còn đọng đầy trong ký ức của mỗi người.
Năm học 1958 – 1959, Bác về thăm, Bác căn dặn “Phải mở rộng cửa Trường cho học sinh tiếp xúc với nhân dân”; trường học phải “Sống trong nghĩa Đảng tình dân”. Thấm nhuần lời Bác dạy, trong bất kì hoàn cảnh nào, dù ở đâu trường cũng luôn gắn bó chặt chẽ với địa phương; chủ động phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả vật chất và tinh thần để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thời điểm chiến tranh, lưu học sinh Lào được nhân dân giang tay đón nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở coi như con em ruột thịt trong gia đình. Thời hiện tại, mối quan hệ, sự gắn bó máu thịt ấy tiếp tục được củng cố và phát triển. Nhiều chương trình hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…nhân dịp tết Việt, tết Lào và lễ hội làng xã, đã để lại những tình cảm sâu sắc, những ấn tượng tốt đẹp, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục, nhất là chương trình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” theo mô hình Homestay.
Với nhiều thế hệ lưu học sinh Lào từng học tập ở trường Hữu Nghị T78 và các trường tiền thân, những địa danh: Cao Ngạn, Việt Lập, Cao Xá, Hùng Đô, Văn Luông, Minh Đài, Phương Thịnh, Phú Sơn, Văn Sơn, Tích Giang, Thọ Lộc đã trở thành những cái tên thân thuộc, gợi nhớ về một vùng đất, một miền quê, nơi lưu dấu những kỷ niệm của một thời gian khổ nhưng ấm áp nghĩa tình; nơi có những người “Bố” người “Mẹ” người “ Anh” người “Chị” Việt Nam đã dành cho họ những tình cảm yêu thương. Và từ đó, trường mang tên do nhân dân tự đặt mà thành “Trường Lào” ở Kén, ở Luông; “trường Lào” ở Thọ Lộc.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, so với lịch sử phát triển của một dân tộc, một quốc gia thời gian chưa phải là dài, nhưng với một Nhà trường cũng đủ để khẳng định sự tồn tại, phát triển và những kiên trì, nỗ lực thực hiện một sứ mệnh cao cả.
Từng thời kỳ, từng giai đoạn, tùy tình hình cụ thể, tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã trăn trở tìm ra các giải pháp để ổn định, phát triển. Các phong trào thi đua nâng cao chất lượng dạy học, nghiên cứu khoa học, phục vụ đời sống học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, tiềm năng sáng tạo, sự năng động của mỗi thành viên để thúc đẩy phát triển, hòa nhập với tình hình đất nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong mỗi thời kỳ cụ thể.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đổi mới, diện mạo Nhà trường ngày càng khởi sắc. Trường có bước tiến đột phá trong đào tạo: từ bổ túc văn hóa đến phổ thông; từ giảng dạy tiếng Việt để học bổ túc văn hóa nay đào tạo tiếng Việt để lưu học sinh vào Đại học và sau Đại học; từ đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào, nay đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Số lượng học sinh, sinh viên từ vài chục, vài trăm, nay lên tới hàng ngàn.
Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, với 01 Tiến sĩ và trên 30% có trình độ Cao học. Nhiều cán bộ, giáo viên của Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn lựa làm cán bộ nòng cốt khi khai mở trường mới, hoặc làm chuyên gia giáo dục tại nước Bạn. Cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ giảng đường, ký túc xá, nhà ăn, thư viện, nhà đa năng, hội trường, sân vận động, nhà truyền thống…đáp ứng quy mô 1.300 đến 1.500 học sinh, sinh viên ăn, ở, học tập tại trường. Trường trở thành địa chỉ tin cậy của Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”. Trong giờ phút trang trọng này thực sự xúc động khi nhắc tới thầy Lê Tiền Tiến, Giám đốc; thầy Nguyễn Cận, Phó Giám đốc, Hiệu trưởng Phân hiệu I; thầy Huỳnh Tấn Bình, Hiệu trưởng Phân hiệu II – Người góp công khai mở, sinh thành “Khu học xá miền núi Trung ương”
Thầy Tô Hội, thầy Trần Ngọc Dung, thầy Nguyễn Khoái, Hiệu trưởng tiếp nối trên chặng đường gian nan vất vả của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
Thầy Nguyễn Sĩ Ngọc, thầy Chu Trung Thanh, Hiệu trưởng tiếp quản, đặt móng, xây nền tại cơ sở hôm nay và cùng tập thể vượt qua bước cam go để tồn tại.
Thầy Hoàng Huy Toàn, thầy Nguyễn Văn Oánh, Hiệu trưởng tiếp bước tạo nên ngôi trường khang trang, hiện đại và chuyển đổi thành công từ bổ túc văn hóa sang phổ thông, dự bị tiếng Việt và đổi tên trường mang ý nghĩa sâu rộng.
Chặng đường 60 năm, có người cả cuộc đời, có người một phần cuộc đời gắn bó với Trường. Không thể quên thầy Nguyễn Cần, thầy Nguyễn Cảnh, thầy Lê Khế, thầy Phạm Thục, thầy Trần Xuân Thìn…những chiến sĩ tình nguyện quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất Bạn được Đảng điều động đến nhận nhiệm vụ tại trường từ những năm 1958 – 1960.
Không thể quên được nhiều Lưu học sinh vừa là Cựu học sinh, vừa là Cựu giáo viên của trường, như: thầy Bun Nhăng; Bun Khăm; Khăm Phăn; Ô Xa Căn; cô Xổm Lan, thầy Chăn Thong HÔNG KHĂM; thầy Bun Lửa KEO MA NI; thầy Phim Ma sỏn Lường Khăm Ma và nhiều người khác nữa….
Các thầy, cô nay đã ở lớp “người xưa nay hiếm”. Nhiều thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ đã nghỉ hưu ở nhiều nơi trên cả nước. Một số thầy cô nay đã đi xa, như: thầy Lê Khế, thầy Phạm Thục, thầy Hoa, thầy Thoong, thầy Khoái, bác Búp…trong nỗi niềm thương nhớ của nhiều Cựu lưu học sinh và đồng nghiệp.
Trân trọng tri ân các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên về tinh thần trách nhiệm cao cả trước công việc, mà trên hết là tình cảm rất mực yêu thương lưu học sinh, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, vừa săn sóc chăm lo sức khỏe đảm bảo học tập, rèn luyện cho học sinh, sinh viên trong mọi hoàn cảnh. Từ đó đã tạo niềm tin đối với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân các bộ tộc Lào.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trường đã đón nhận hàng vạn lượt người con yêu quý của đất nước Lào anh em. Nhiều thế hệ trong một gia đình từ ông, bà đến cha, mẹ..rồi đến con, cháu đã học tập, trưởng thành từ ngôi trường “đặc biệt” này. Nhiều lưu học sinh trở thành cán bộ, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng hoặc là những doanh nhân thành đạt. Tất cả đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước Lào phồn vinh, phát triển.
Trong số đó, nhiều lưu học sinh được giao trọng trách trong bộ máy Đảng và nhà nước Lào, tiêu biểu là các đồng chí: Bun Nhăng VO LA CHÍT (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước). Pa Ny YA THO TU (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội). Xay Sổm Phon PHOM VI HẢN (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước). Bun Thoong CHÍT MA NI (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tưởng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ). Chăn Sa Mỏn CHĂN NHA LAT (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) Sẻng Nuôn Xay NHA LẠT (Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội)…
Qua 22 năm (1995 – 2017) trường trực tiếp quản lý, nuôi dưỡng và đào tạo trên 5 ngàn học sinh các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong số đó, nhiều học sinh ra trường, qua thử thách, tôi luyện, trưởng thành được giao đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng, tiêu biểu như: Nguyễn Thu Đào, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang. Bùi Thị Nhung, Chủ tịch HĐND thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Phan Thông Quyết. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ma Thượng Sinh, Phó Giám đốc Đài truyền thanh, truyền hình huyện Mường Khương, tỉnh Lao Cai. Vi Mạnh Cường, Giám đốc Văn phòng Công ty Việt Hà – Hà Tĩnh tại Bắc Giang. Thiếu tá Bàn Văn Thắng, Phó Trưởng đồn Biên phòng Mường Lạn, tỉnh Sơn La. Thiếu tá Hà Xuân Nguyên, Phó Trưởng đồn Biên phòng Phiếng Păn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Triệu Bình Giang, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng…
Đó là sự nỗ lực đạt được những kết quả và thành tích của Trường trong 60 năm qua. Kết quả và thành tích trên là minh chứng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Lào và chính sách Đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước, như lời nhận định, đánh giá của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Ngành khi về thăm và làm việc tại trường.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của Trường trong sự nghiệp giáo dục nói chung và hợp tác đào tạo giữa Việt Nam – Lào nói riêng, tập thể trường và nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên được Nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng Huân, Huy chương các hạng.
Các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Hữu Nghị T78 có quyền tự hào về những đóng góp giúp Bạn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Hiếm có một trường nào ở Việt Nam có cơ hội được trực tiếp góp phần vun đắp, xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào ngay từ những ngày đầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Đó là điều “đặc biệt”; là “nhịp cầu” thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Thế hệ, nối tiếp thế hệ góp phần tiếp nối bảo vệ và phát triển tài sản vô giá của hai dân tộc, như lời của Chủ tịch Khăm Tày XI PHĂN ĐON “Giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Lào – Việt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng Chủ tịch Cay Xỏn PHÔM VI HẢN kính yêu đã xây dựng, vun đắp, trở thành quy luật tồn tại và phát triển của 2 nước”.
Có được như hôm nay chúng ta trân trọng biết ơn sự Lãnh đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội đồng Dân tộc; Ủy Ban Dân tộc; các Bộ, ban ngành của Trung ương; Đại sứ quán hai nước Việt Nam – Lào; ban Công tác miền Tây CP31; Vụ Bổ túc văn hóa; Cục I; Vụ Giáo dục Dân tộc, nhất là sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; sự phối hợp hiệu quả của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban ngành và nhân dân các tỉnh, nhất là các địa phương nơi trường có thời gian thường trú.
Chúng ta luôn ghi nhớ công lao, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên đã xây dựng Nhà trường không ngừng đổi mới, trưởng thành và phát triển.
Chúng ta trân trọng cám ơn đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm chỉ đạo tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Để hôm nay, trường được đón các vị khách quý, các thế hệ lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo, nhân viên, các cựu học sinh, lưu học sinh trong và ngoài nước về hội tụ chung vui, chứng kiến sự phát triển, đi lên mạnh mẽ của Trường…Đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để Trường Hữu Nghị T78 vươn lên tự khẳng định mình, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức phấn đấu đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa.
Chúng ta thật vinh dự, tự hào là những người đã và đang công tác, học tập, rèn luyện dưới mái trường Hữu Nghị T78 thân yêu. Trước thời cơ và thách thức lớn, bước sang chặng đường mới, Nhà trường mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự đầu tư thích đáng có trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương; sự phối hợp thiết thực của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cùng cơ quan Đại sứ Quán Lào tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào…đồng thời tiếp nhận sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội để trường tiếp tục đổi mới, vươn cao, đạt được những mục tiêu phát triển, xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam – Lào trao tặng.
Kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm – một chặng đường vẻ vang, cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên tiếp bước tô đậm thành tích, tiếp tục củng cố khắc sâu quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, toàn trường đoàn kết, sáng tạo, tự tin vững bước đi lên, viết tiếp những trang sử mới huy hoàng hơn nữa, phấn đấu hoàn thành sứ mệnh lịch sử do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, (nay là Thủ tướng) khi về thăm và làm việc tại trường đã yêu cầu: …“Trường tiếp tục có những bước phát triển mới, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đặc biệt, góp phần hiện thực hóa chính sách dân tộc trong giáo dục và đào tạo, hợp tác giáo dục và củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào của Đảng và Nhà nước. Phấn đấu trở thành trường quốc tế chất lượng cao”
Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam – Lào dồi dào sức khỏe, thành công trên cương vị lãnh đạo của mình.
Kính chúc Ngài Đại sứ và Phu nhân mạnh khỏe, hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Kính chúc các vị đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương mạnh khỏe, hành phúc!
Kính chúc các thế hệ Nhà giáo, cán bộ, nhân viên, các cựu lưu học sinh và học sinh mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công!
Chúc Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!