Chi hội Trường Hữu nghị T78, Hà Nội là một Chi hội trực thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam- Lào TP Hà Nội. Đây là nơi đào tạo văn hóa, dự bị tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và đào tạo THPT cho con em người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc nước ta. Để phát triển sâu rộng cả về chất lượng và số lượng lưu học sinh Lào, trường không ngừng mở rộng hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của nước bạn bằng các dự án tài trợ, chương trình tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên kết…
Đặc biệt, nhà trường đã áp dụng mô hình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân – Homestay” vào công tác giảng dạy. Những kết quả thực tế cho thấy, đây là mô hình học tập tiến bộ, gắn kiến thức lý thuyết, sách vở trong nhà trường với thực tiễn đời sống, giúp người học hình thành tư duy vận dụng, thực hành. Từ năm 2015 đến nay, chương trình được Chi hội trường Hữu nghị T78 tổ chức thường niên và chia sẻ kinh nghiệm cho các Chi hội giáo dục – đào tạo khác trong Hội Hữu nghị Việt Nam- Lào TP Hà Nội, nhằm giúp nâng cao hiệu quả đào tạo tiếng Việt cho các lưu học sinh Lào.
Anh Lê Phú Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 cho biết, thông qua chương trình, lưu học sinh Lào có được môi trường thuận lợi để thực hành tiếng Việt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho các bạn tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán và con người Việt Nam, trong thời gian học tập tại đây. Tham gia chương trình này, khả năng tiếng Việt của các bạn du học sinh Lào được nâng lên, vốn từ ngữ được mở rộng hơn, đặc biệt phần lớn lưu học sinh đã tự tin hơn trong giao tiếp”.
Bạn Souliya Euasitthi (người Lào) từng học lớp TV5, năm học 2015- 2016 tại trường Hữu nghị T78 chia sẻ: “Qua một thời gian học tập ngắn, nhưng hiệu quả học tiếng Việt của mình rất tiến bộ vì được trực tiếp giao tiếp với người dân. Bằng thời gian tự học khá nhiều ở nhà dân, mình đã chủ động hơn trong học tập. Bên cạnh đó, mình còn được mọi người giúp đỡ, dạy nói và nghe tiếng Việt. Mình còn biết thêm nhiều câu thành ngữ tiếng Việt và yêu thương, gắn bó với người dân Việt Nam như “gia đình thứ hai”.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động của chương trình, mối quan hệ và tình cảm giữa nhà trường và địa phương càng thêm gắn bó, nhất là tình cảm của các em lưu học sinh Lào với các hộ dân phát triển tốt đẹp, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào thêm sâu sắc, bền chặt. Trong thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các hộ gia đình người Việt tại địa phương, các bạn lưu học sinh Lào đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng dân cư địa phương. Họ xem nhau như người thân trong gia đình.
Anh Lê Phú Thắng cho biết thêm: “Từ những việc làm giản dị, bình thường nhưng mang nhiều ý nghĩa đó đã tạo nên những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp ở lưu học sinh Lào. Các em gắn bó thân thiết và dành cho những người “bố”, người “mẹ”, anh, chị trong hộ gia đình những tình cảm và sự yêu mến như chính người thân ruột thịt”.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ thủ đô – Ảnh: Ngọc Thạch