Từ một chuyến đi, khắc ghi tình hữu nghị Việt -Lào

Ngày 6/6/2016 là một ngày đáng nhớ đối với đoàn cán bộ, giáo viên của trường Hữu Nghị T78 khi trở về mảnh đất đã từng in dấu chân trường: Thanh sơn,Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Chuyến đi như một hành trình ngược dòng lịch sử nhằm sưu tầm các tư liệu để biên tập cuốn sách “Trường Hữu Nghị T78 – 60 năm một chặng đường”

Cảm nhận của đoàn sau những cuộc gặp gỡ là những tình cảm sâu sắc, thiêng liêng, rất đỗi trân trọng của một mối quan hệ đặc biệt: quan hệ Việt –Lào

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, nay là huyện Tân Sơn – Phú Thọ. Đây là vùng đồi núi, rừng còn nhiều và khá rậm rạp, xa quốc lộ, xa trung tâm.

Đoàn công tác  trường Hữu Nghị T78 chụp ảnh với Đảng ủy xã Văn Luông

Thời gian đầu khi mới chuyển về, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn, phần lớn giáo viên và học viên đều ở nhờ nhà dân. Lớp học của thầy trò nhà trường còn tạm bợ sơ sài, được lắp ghép bởi vách nứa, mái cọ. Có lúc, để đảm bảo an toàn, tránh bom đạn, thầy trò phải học dưới hầm, hào. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng dưới sự che chở của nhân dân địa phương, suốt thời gian trú chân tại đây, trường không bị địch phát hiện, lưu học sinh Lào đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Hoạt động giảng dạy, học tập, ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho học viên diễn ra tốt đẹp. Theo lời kể của nhân dân địa phương và những dấu tích còn sót lại, từ năm 1967 đến năm 1970, tại đây có 3 khối trường dạy học sinh Lào bao gồm khối  cấp 1 ở xóm Kén – xã Văn Luông, khối cấp 2 ở xóm Luông, xã Văn Luông và khối bổ túc văn hóa cho thương binh ở xóm Ba Nhà. Người dân quen gọi là trường Lào. Các khối trường thường nằm ở vị trí kín đáo ở dưới thấp chân đồi hoặc lưng đồi.

Lời kể của người dân khiến chúng tôi nhớ lại những dòng  tâm sự của đồng chí Xay xổm phon Phôn -Vi- Hản  (cựu học sinh trường T78, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch mặt trận Lào xây dựng đất nước): “Khi nhìn lại quá khứ về trường học phổ thông, nơi mà đã cho mình trú ngụ học hành, cho mình những kiến thức cơ bản nhất của một cuộc đời, không ai mà chẳng xúc động khi nghĩ tới mái trường phổ thông xưa đó, trường Hữu nghị miền núi Trung ương Lào – Việt Nam…tôi nhớ tất cả những lúc vui, buồn trong những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn của thời kì đang còn chiến tranh, trong sân trường, lớp học – kể cả lớp học đang được tô trát bằng đất – rơm – tre nứa với nhiều chiếc đèn dầu đom đóm, trong cánh đồng lúa của dân làng nơi sơ tán …nó cứ cuồn cuộn vào nhau, chan hòa giữa thầy trò Lào – Việt, đám học sinh với nhau ở giữa lòng nhân dân Việt Nam trong thời đó mà vẫn ấm lòng, vẫn bồi hồi nhung nhớ…”

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đinh Thị Viết, là gia đình có cán bộ, giáo viên trường Lào ở trọ. Bà Viết tâm sự: “Dân quý học sinh Lào lắm, thấy tự hào lắm khi có trường Lào ở xã. Dịp Tết Lào giữa tháng tư, học sinh té nước vui tết, bà con cũng vui tết theo”. Bà kể: “lúc đầu còn lạ, sợ hắt nước lên người, nhưng sau cũng hòa cùng học sinh vui tết, té nước, vui lắm“. Bà còn nói “ có trường học này là do Bác Hồ, bác đưa nhân dân Lào anh em đến đây với bà con Việt Nam ta”.

Được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hà Kim Khí nhiệt tình dẫn đường, đoàn tiếp tục tìm đến gia đình ông Hà Công Lương, trước là lái xe của trường. Ông Lương đã mất 10 năm nay nhưng hình ảnh và kỉ vật cũ về nhà trường, về tình cảm thân thiết với các bạn Lào vẫn còn, đó là những tấm hình chụp chung với học viên Lào, những huân, huy chương IXaLa do nhà nước Lào tặng thưởng…

Những kỷ vật về trường Lào của gia đình ông Hà Công Lương

Rời Văn Luông, chúng tôi sang xã Minh Đài, một xã có nhiều gia đình cho học sinh Lào ở trọ trong thời gian trường sửa chữa. Một trong số đó là gia đình Bà Nguyễn Thị Thảo, học sinh cũ của trường cấp 2 Văn Luông. Đã 50 năm trôi qua, nhưng khi nói về kỉ niệm với các bạn Lào, mắt bà như  sáng lên, giọng kể rất say sưa “trường Lào ở Luông kết nghĩa với trường cấp hai Văn Luông nên học sinh hai trường thường xuyên giao lưu thể thao, văn nghệ. Tôi có năng khiếu văn nghệ nên thường xuyên đi múa hát cùng các bạn Lào. Học sinh Lào toàn các bạn thanh niên nên nghịch ngợm lắm; nhiều khi té nước xối xả mà các thầy giáo cũng phải né“, nói rồi bà say sưa cất lên những giai điệu Lào thân thương, gần gũi.

Bà Nguyễn Thị Thảo đang hồi tưởng về những kỉ niệm với học viên Lào

Tại  xã Phương Thịnh – Tam Nông – Phú Thọ, địa điểm nơi trường đứng chân từ năm 1970 – 1975, chúng tôi được bà Ngân, bí thư Đảng ủy xã lúc bấy giờ kể lại: “Khi đón trường về đây, tôi mừng lắm, nghĩ có trường quốc tế về sẽ mở mang hơn cho xã, tôi định mở cái đường lớn, xây cái trạm xá to, san cái sân sinh hoạt tập thể lớn, có các bạn Lào ở đây thì làng xã cũng vui lây”. Bà Nguyễn Thị Điều, cán bộ nấu ăn của trường cũ, chồng là thương binh từng chiến đấu bên Lào, kể lại: “Học sinh Lào vui mà tình cảm lắm, ngày lễ ngày tết luôn nhớ tới các bầm, các mẹ cấp dưỡng, nói chung có các bạn Lào ở đây với mình thấy cũng vui nhiều”. Theo bà, học sinh Lào ở nhà dân rất hòa đồng, thường giúp dân những công việc nhà nông, nhất là đến vụ mùa bận rộn, nhiều học sinh Lào còn đi gặt lúa giúp dân, bà nói “lúc chia tay các bạn Lào về nước, ai cũng khóc rưng rức mà quyến luyến lắm”.

Bà Ngân (người ngồi giữa), nguyên bí thư Đảng ủy xã Phương Thịnh  (thời kì 1968 – 1971) kể lại những kỉ niệm về học viên Lào

 Trong số những người mà chúng tôi gặp gỡ tại xã Phương Thịnh hôm ấy, có một cụ già đã gần 80 tuổi, đó là ông Nguyễn Bá Lợi. Gia đình ông đã đón học viên Chăn-sá-mỏn Chăn nhạ lạt, nay là bộ trưởng bộ Quốc phòng Lào về ở cùng một thời gian. Giọng nghẹn ngào, bùi ngùi, xúc động, Ông Lợi nhắc lại kỉ niệm đáng nhớ với đồng chí Chăn-sá-mỏn Chăn nhạ lạt: “em ấy không biết đi xe đạp, tôi dạy em tập mà ngã cả ra đường,  rồi khi em ốm, tôi lo lắm chăm sóc từng chút một, năm 2008 em về Việt nam  thăm tôi và gia đình, anh em gặp nhau, tôi mừng lắm!”.

Cầm tấm ảnh chụp cùng với đồng chí Chăn-sá-mỏn Chăn nhạ lạt, ông Lợi nói: “Tuy 2 chúng tôi không cùng cha mẹ, không cùng quê, thậm chí không cùng quốc gia, nhưng từ khi em Chăn – sá – mỏn ở đây, tôi luôn coi là anh em ruột thịt của tôi, từ khi em ấy đi công tác nơi khác, tôi luôn dõi theo thông tin, những bức ảnh và vật kỉ niệm của 2 anh em là tôi luôn giữ không có cho ai động đến mà làm thất lạc…”.

Đồng chí Chăn-sá-mỏn Chăn-nhạ-lạt, cựu học sinh trường T78, nay là Bộ trưởng bộ Quốc phòng Lào chụp ảnh với gia đình Ông Nguyễn Duy Lợi khi về thăm lại gia đình ông.

Những điểm đến cuối cùng của đoàn là cây đa di sản cạnh trường cũ; là dấu tích một thời còn để lại địa phương như sân bóng chuyền, trạm xá… Những cảnh vật xưa đã tái hiện trong chúng tôi khung cảnh học tập, sinh hoạt của học sinh với thầy cô, của học viên Lào với nhân dân Việt Nam, bỗng thấy trong lòng trào dâng…

Trạm xá cũ của trường tặng lại cho địa phương, nay là trạm y tế xã Phương Thịnh
Nơi đây dã từng là sân bóng chuyền cũ của trường
Cây Đa di sản bên cạnh trường xưa

Đường từ Phú Thọ về Hà nội, cảnh vật hai bên đường rất đẹp và thơ mộng, nhưng chẳng mấy ai tập trung vào đó. Chúng tôi cứ miên man nghĩ mãi về tình cảm sâu nặng mà nhân dân Việt Nam dành tặng cho nhân dân các bộ tộc Lào. Mỗi con người mà đoàn gặp gỡ hôm nay là hiện thân cho mối quan hệ đặc biệt của hai quốc gia, hai dân tộc. Mối quan hệ được gắn kết bằng tình cảm, thứ  tình cảm dược xây đắp, nuôi dưỡng bởi công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam- Lào.

“ Hạt muối cán đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những  năm tháng kháng chiến gian khổ và hôm nay,  khi hòa bình lập lại, Việt Nam vẫn giúp Lào trên tinh thần “ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Chuyến đi cùng  những câu chuyện kể hôm nay khiến chúng tôi thấy tự hào là những người đang công tác dưới mái trường Hữu Nghị T78- một cơ sở giáo dục có truyền thống và uy tín trong hoạt động hợp tác và đào tạo giúp nước bạn Lào. Sáu mươi năm qua, cán bộ và giáo viên nhà trường đã  đào tạo giúp nước bạn Lào được hàng vạn học sinh, nhiều cựu lưu học sinh thành đạt, đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng đất nước Lào trước  đây  và xây dựng , bảo vệ, phát triển đất nước Lào ngày nay. Và hôm nay, chúng tôi  vẫn tiếp nối thế hệ trước bắc thêm những nhịp cầu, nhịp cầu nối tình Hữu Nghị Việt –Lào .

Chuyến xe đưa đoàn công tác trở về nhà, mỗi  thành viên trong đoàn đuổi theo những cảm xúc khác nhau. Những có một điều  chắn chắn  là ai cũng thấy vinh dự, tự hào vì mình  đang được thực hiện một phần sứ mệnh thiêng liêng của hai dân tộc.

Bấc giác, tôi nhớ đến lời bài hát “Bài ca Việt – Lào” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương  (trong phim “Hai bà mẹ“-bộ phim đã được quay tại chính nơi mà chúng tôi đã dừng chân hôm nay):

Như ánh trăng soi,

ánh trăng sáng chung núi đồi biên giới

Mối tình sắt son

mấy nghìn năm thắm sâu đất Việt – Lào

Chung núi chung sông,

suối rừng đây từng phen chôn kẻ thù chung

Một lòng tranh đấu,

dẫu núi cao suối sâu ta nguyện bên nhau

Như rễ chung cây,

xiết chặt tay chúng ta hướng về tương lai

Việt – Lào anh em,

vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai…

Trong nắng ban mai,

ánh bình minh sáng soi bước đường đi tới

Việt – Lào kề vai,

tình đấu tranh vững bền muôn đời nào phai…

                                             Phúc Thọ, ngày 6/6/2016 !

(Trích từ bài dự thi đạt giải Ba cuộc thi:Tìm hiểu quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào” do Huyện ủy Phúc Thọ phát động tháng 7/2017 – Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng tổ Sử – Địa)

Facebook

Bình luận

*