HẠNH PHÚC CỦA NGHỀ GIÁO

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta gọi là nghề cao quý nhất!

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những đóa hoa thơm!

Có một nghề mà ai đã chọn, dù chỉ đi một đoạn đường hay cả đời đều không thể quên và vô cùng hạnh phúc, đó là nghề giáo.

Chúng tôi, 28 năm gắn bó với nghề, với trường Hữu Nghị T78, yêu người,  yêu nghề và tự nhận mình thật may mắn khi đã được đi cùng thanh xuân của gần 30 thế hệ học trò.

Trường Hữu Nghị T78 là ngôi nhà chung thắm tình hữu Nghị Việt – Lào, nơi gửi gắm ước mơ của nhiều thế hệ học sinh dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc.  Quê hương của học trò rất xa, đường đi rất khó.  Dù bận công tác nhưng khi có cơ hội được đi về quê hương của học trò thật sự là thầy cô như được trở về nhà vậy. Đã có nhiều chuyến đi trong gần 30 năm gắn bó với nghề giáo,  nhưng lần nào cũng vô cùng xúc động. Khi trở về, chúng tôi thấy yêu nghề hơn, cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Chuyến đi  Bắc Hà – Lào Cai là một chuyến đi để thương để nhớ trong lòng chúng tôi như thế.

Còn cách ngày đi cả tuần, mới chỉ đăng một lời chào lên Facebook ai Bắc Hà xin chén rượu nồng say đã nhận lại rất nhiều lời chào đón hân hoan từ các em và cả những lời trách cứ ấm áp thầy cô ơi bao giờ là Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang… Thật lòng muốn đi thật nhiều, chúng tôi tự hứa sẽ thu xếp đến thăm quê hương các em nhiều nhất khi còn có thể.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích – Trưởng phòng Đào tạo kết nối với em Giàng A Hải (Cựu học sinh khoá 2005 – 2008  Bắc Hà – Lào Cai) và ngay sau đó cô nhận lại một hình ảnh tuyệt vời:

Sau khi cả đoàn hoàn thành công việc trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và quản lý học sinh ở Trường Chuyên tỉnh Lao Cai đã nghe cuộc gọi của em Vàng Seo Cù: Cô ơi! (nghe nao lòng) Các thầy cô đã bắt đầu về Bắc Hà chưa? Kèm theo một loạt dặn dò – y như 15 năm trước chúng tôi dặn dò các em, giờ các em dặn dò lại các “bà giáo, ông giáo” cách đi đường đèo Tây Bắc như thế nào cho an toàn, cho đỡ say xe, em đang chờ các thầy cô ở địa điểm nào, các bạn cử em đi đón các thầy cô, nghe thật ân cần ấm lòng.

Đường lên Bắc Hà thật đẹp, nhưng cũng thật thử thách khả năng cân bằng của mỗi người. Lên Bắc Hà sẽ say. Đầu tiên là say cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mĩ lệ.  Và rồi say lòng người. Các em (gọi là các em chứ có nhiều em thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x) chào đón chúng tôi bằng cách xếp hai hàng như ngày còn ở trường học, vỗ tay tươi cười: Chào cô! Em chào thầy!  Các em gọi tên từng thầy cô kèm theo những từ cảm thán, những tiếng reo hạnh phúc, những cái nắm tay thật chặt, những cái ôm thật lâu, những ánh mắt rưng rưng xúc động của cả thầy cô và học trò sau 5 năm, 10 năm, 15 năm và 25 năm gặp lại.

Thanh xuân như ùa về trong vũ điệu của các bạn người Mông trong đội văn nghệ Huyện Bắc Hà nơi Giàng A Hải công tác. Say trong tiếng khèn, câu hát điệu múa! Dù đã quen với vũ điệu dân gian khi các em mang văn hóa vùng miền đến trường biểu diễn, nhưng được xem vũ điệu chính nơi bản địa nên cảm xúc phiêu theo từng ánh mắt, từng nụ cười, từng nhịp chân xoay, từng nhịp váy đung đưa … Các em tổ chức đón tiếp thầy cô thật trang trọng chu đáo, đậm màu sắc văn hoá Bắc Hà.

Say trong hơi men rượu Bắc Hà nồng nàn là những cái ôm thật xúc động, những câu hỏi: Cô còn nhớ em không ạ?  Em là… học khoá… cùng với… những cái nheo nheo mắt lục lọi kí ức của mấy “bà giáo già” xem người đàn ông trưởng thành tự tin, phong trần, mạnh mẽ trước mắt mình khi xưa là cậu học trò 16,17,18 tuổi nào? Xem những người phụ nữ tự tin, xinh đẹp trước mặt mình là cô học trò bé nhỏ nào? Lục tìm kí ức, vỡ òa, ngỡ ngàng và hạnh phúc như khi thấy con mình nay đã lớn khôn. Thấy công sức vun trồng bao ngày, nay cây trái đã lớn mới thấy sự nỗ lực của các cô bé, cậu bé từ bản làng xa xôi, nhiều khi ăn còn chưa đủ no tiếng phổ thông nói chưa rõ thật phi thường. Giờ đây các em đã trưởng thành đi xa hơn thế hệ thầy cô rất nhiều: em là bác sĩ, em là kĩ sư, em làm cán bộ phòng tổ chức, phòng văn hoá huyện, em làm đội trưởng cảnh sát giao thông huyện, em là đồng nghiệp như thầy cô, em làm nông dân chủ vài hecta đất rừng…

Thời gian có thể làm các em thay đổi hình hài vóc dáng, nhưng tình cảm của các em với thầy cô, với ngôi nhà chung Hữu Nghị T78 vẫn vẹn nguyên. Qua những lời bộc bạch vừa rất trưởng thành vừa vô cùng mộc mạc: Cô ơi! Thầy ơi! Em nhớ… cách thầy cô viết, lời thầy cô giảng, cử chỉ điệu bộ kèm theo, những câu nói vừa chân lí vừa rất đời em nhớ mãi; Những bài học giản đơn mà sâu sắc; Sự quan tâm ân cần gọi dậy đi học, nhắc nhở mặc ấm khi đông về; chi tiêu tiết kiệm vì đường học còn dài. Cô Thuý (Sử), cô Đào chữ đẹp, viết bảng cực kì khoa học, logic, hay cười. Cô Thuý còn hay gọi vui học sinh nữ là thị Nở, cô Thuý (Hoá) luôn dịu dàng nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết. Thầy Đại hiền ít nói nhưng nói câu nào là chân lí câu ấy. Cô Bích (Địa) với bài giảng khoa học dễ hiểu. Giọng văn cô Yến nhẹ nhàng; Cô Khánh văn luôn ấn tượng bởi những câu nói rất trend… Nhớ hàng xoài trái chưa tròn đã hết, tiếng kẻng giờ cơm bụng đói cồn cào. Nhớ giường tầng ngủ mơ lăn xuống đất còn cuộn trong chăn. Nhớ tiếng nhạc loa thể dục buổi sáng… các em vừa kể mắt sáng ngời hạnh phúc…Ôi trời! Kỉ niệm với trường với lớp với thầy cô dù đã 20 năm có lẻ vẫn còn vẹn nguyên tươi rói như thế đấy.

Cuộc sống là tấm gương phản chiếu, có nghĩa là bạn hành xử sao nhận lại như vậy. Tôi cảm thấy học trò của chúng tôi là những tấm gương khuếch đại bởi chúng tôi cảm thấy chưa giúp được các em nhiều như bản thân mong muốn và như cách các em đền đáp. Cuộc sống là không quan trọng bạn sống bao lâu mà quan trọng bạn sống như thế nào. Chúng tôi thật sự cảm thấy cuộc sống của mình đã có ý nghĩa bởi góp phần thắp lên ngọn lửa ước mơ, nghị lực vươn lên và trưởng thành cho các thế hệ học sinh. Chính  các em ấy đang chia lửa cho các thế hệ sau của quê hương mình. Chia hạnh phúc như chia lửa, càng chia càng được nhân lên.

Chia tay các em, chúng tôi nói lời cảm ơn đã nhận lại từ các em câu nói:  Không ai sinh ra đã là cử nhân, thạc sỹ, các cô nói chúng em là niềm tự hào của các thầy cô. thực ra thầy cô và mái trường mới là niềm tự hào của chúng em. Với chúng em T78 luôn là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em thật sự cô ạ!

Người ta gọi Bắc Hà là cao nguyên trắng bởi mỗi độ xuân về cả cao nguyên ngợp màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, hoa trẩu cùng bao loài thanh khiết nở bung. Song, với chúng tôi, những người gieo con chữ, nuôi lớn những ước mơ “hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần” thì lại thích gọi Bắc Hà là miền đất của yêu thương, nhung nhớ, của nghị lực phi thường. Cả năm bốn mùa cao nguyên cứ ngát một màu xanh thủy chung tình người và sẽ còn xanh mãi. Xe rời Bắc Hà, chúng tôi lưu luyến vẫy chào các em trên dốc núi và thầm nói: Sẽ trở lại nơi này!

Tin bài : Nguyễn Thị Khánh – Tổ Ngữ văn

Facebook

Bình luận

*